GD&TĐ – Trước thềm năm học mới 2023 – 2024, việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) tiếp tục được quan tâm.
Tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, bà Nguyễn Lan Hương – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã có đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội nghiên cứu quy định thống nhất một bộ SGK cho các cấp học trên địa bàn. Đề nghị này nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, xây dựng.
Cô Đào Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội: Đề xuất không phù hợp
Bộ GD&ĐT triển khai “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” – đây là một trong những đổi mới giúp nhà trường, giáo viên có cơ hội đổi mới phương pháp dạy học. Chương trình hiện hành với SGK năm 2006 – thuận lợi cho nhà quản lý những rất khó cho giáo viên. Mỗi lớp, trường học có nhiều đối tượng học sinh khác nhau mà chỉ có một bộ sách khiến có người hiểu nhầm chương trình và SGK là một.
Quan điểm của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội, chương trình của Bộ GD&ĐT là pháp lệnh còn SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Nếu như mọi người hiểu nhầm chương trình SGK giống như pháp lệnh thì đôi khi không dám dạy sai sách (điều chỉnh thứ tự bài học, kiến thức vận dụng… ngoài chương trình SGK – PV).
Chương trình SGK năm 2006, sách như thế nào thì dạy như thế, từ bài đầu cho đến cuối cùng. Tương tự, đối với nhà quản lý, khi kiểm tra cơ sở mà phát hiện dạy sai sách, là giáo viên, nhà trường bị xem xét. Bản thân giáo viên không dám lấy bài nào dạy trước hay thay đổi thứ tự, nội dung bài học trong SGK. Trong tiềm thức của nhiều giáo viên thực hiện chương trình hiện hành SGK 2006 có người cho rằng chương trình và SGK là một. Vì chỉ có một chương trình và một bộ SGK, kéo theo nhà trường, giáo viên ngại đổi mới, hạn chế tư duy sáng tạo.
Với đề nghị nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách của Hà Nội vô hình chung đang quay trở lại chương trình SGK năm 2006 thuận lợi cho nhà quản lý, chỉ đạo, tập huấn, dự giờ… một chương trình và một bộ sách.
Trong khi đó, mỗi trường có những điều kiện và đối tượng học sinh, nhân sự giáo viên khác nhau. Bởi vậy, nghiên cứu đề xuất đó không phù hợp và làm hạn chế sự phát triển của các nhà trường.
Với Chương trình GDPT 2018, một chương trình nhiều bộ SGK và trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT việc mỗi nhà trường cần xây dựng chương trình giáo dục, mỗi giáo viên cần xây dựng chương trình dạy học cho lớp mình. Bởi mỗi giáo viên có phương pháp, nội dung hướng dẫn học sinh khác nhau.
Theo yêu cầu của biên soạn SGK có các phần (khám phá, thực hành, luyện tập và vận dụng), thì trong phần vận dụng có mức độ khác nhau và không nhất thiết tất cả học sinh trong lớp phải vận dụng. Học sinh có học lực ở mức độ mặt bằng chung thì chỉ cần đạt mức áp dụng thực hành vào bài học hoặc học sinh có năng lực học tốt hơn có thể vận dụng kiến thức học vào cuộc sống, sáng tạo.
Chương trình GDPT 2018 là bước đột phá gỡ rối cho giáo viên và nhà trường trong việc biên soạn chương trình giáo dục nhà trường và trong việc dạy học định hướng phát triển năng lực học sinh.
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội, hiện sử dụng 4 bộ sách và yêu cầu giáo viên tự nghiên cứu sau đó báo cáo Ban giám hiệu và tổ chức bỏ phiếu kín từng môn để đưa ra lựa chọn bộ sách. Sau khi có kết quả bỏ phiếu sẽ họp công khai với giáo viên và công bố trong Hội đồng Sư phạm nhà trường về sách được lựa chọn và báo cáo lên Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm.
Nhà trường tham gia tập huấn SGK do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cũng như mời chính tác giả viết sách về tập huấn cho giáo viên về bộ sách. Những môn cơ bản thì chọn bộ sách Kết nối, Mỹ thuật chọn sách Chân trời sáng tạo, môn Tin học vừa sử dụng bộ sách Kết nối vừa kết hợp bộ sách điện tử mà giáo viên biên soạn theo chương trình nhà trường.
Mặc dù chọn bộ sách Kết nối nhưng chỉ là tài liệu tham khảo chính, khung chương trình của Bộ GD&ĐT vẫn là chính. Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Hà Nội mua thêm những bộ sách khác để thư viện và cung cấp cho giáo viên tham khảo trong quá trình giảng dạy để biên soạn cho từng lớp, khối mình và nhà trường.
Sau mỗi học kỳ, năm học, học sinh của lại phát động phong trào ủng hộ sách cho thư viện nhà trường. Nhà trường giữ lại một lượng sách để thư viện và học sinh ở trường khác chuyển đến thì hoàn toàn có thể lấy sách học tiếp, tham khảo, tiết kiệm chi phí.
Từ năm học 2020 – 2021, Chương trình GDPT 2018 được triển khai giảng dạy bắt đầu từ khối lớp 1. Chương trình mới thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật so với chương trình cũ.
Khác với hướng tiếp cận nội dung trong Chương trình GDPT 2006, Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học. Qua đó, giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực mà nhà trường, xã hội kì vọng.
Nội dung các môn học được thiết kế theo chủ đề, chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của lớp học, cấp học trong từng môn và từng lớp học, cấp học. Mặt khác, chương trình mới cũng trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục. Nhờ đó, qua 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, kết quả tích cực ban đầu đã được thể hiện rõ rệt.
Về việc lựa chọn SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục, nếu tất cả các trường trên địa bàn TP Hà Nội sử dụng chung danh mục SGK theo từng khối lớp sẽ có nhiều thuận lợi. Đối với các nhà trường, giáo viên sẽ thuận lợi chia sẻ, trao đổi về chuyên môn trong nhóm các trường có các điều kiện cơ bản giống nhau trong quận, thành phố, từ đó, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, áp dụng hiệu quả vào thực tế giảng dạy tại địa phương mình.
Đối với cha mẹ học sinh, học sinh, điều này sẽ giúp tránh lãng phí, học sinh các khóa sau dễ dàng sử dụng lại SGK do học sinh khóa trước để lại. Đặc biệt, nếu học sinh chuyển trường (trong địa bàn thành phố) thì không ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các em, học sinh không phải mua bộ SGK khác, không gây tâm lý lo lắng không cần thiết với học sinh khi học tập ở môi trường mới.